Nếu như Việt Nam ta có Trạng Quỳnh thì Trung Quốc có Trần Mộng Cát, bộ phim cùng tên xoay quanh nhân vật này được phát sóng lần đầu tiên năm 1998 với vai nam chính được giao cho Trương Vệ Kiện – cái tên rất xuất sắc của điện ảnh Hồng Kông, thời điểm này anh đã rời TVB và Trần Mộng Cát được sản xuất bởi đối thủ của TVB – ATV. Đặc biệt, chính Vua Bướm Gặp Bịp là bộ phim “kết duyên” cho Trương Vệ Kiện và Trương Tây, họ kết hôn năm 2009 và đang là một trong những cặp vợ chồng mẫu mực cũng như được yêu thích nhất của điện ảnh Hồng Kông.
Trong phim, Mộng Cát xuất thân trong một gia đình giàu có ở huyện Quảng Đông, nhưng cậu lại sớm mất đi tình yêu thương chăm sóc của mẹ, lầm lũi sống với cha mình là Trần Hồng. Cha Mộng Cát giao cậu cho thầy Phương Đường Kính. Là một cậu bé ngỗ ngược và tinh ranh, Mộng Cát không ít lần chơi khăm ngay cả thầy giáo của mình, biến ông thành trò đùa cho cả hội. Và rồi, một ngày nọ cậu bị lâm vào cảnh “gậy ông đập lưng ông” và hậu quả là bị thương. Thầy Kính nghĩ đó là do lỗi của mình lặng lẽ bỏ đi, từ đó Mộng Cát lại trở nên trầm lặng. Sau đó cậu được cha đưa đến trường tư thục học. Mộng Cát đem lòng yêu mến Liễu Mi. Trái tim băng lạnh, trầm cảm trong mười mấy năm Mộng Cát dần được sưởi ấm. Gia đình Mộng Cát xảy ra biến cố, Chí Hiền tìm cách chiếm đọat tài sản nhà Mộng Cát, cha Mộng Cát vì thế mà bệnh không dậy nổi, trước lúc ra đi di chúc để lại mọi tài sản cho Mộng Cát.
Người phương Tây dùng Bạch phiến gây chiến, Mộng Cát bị bắt đi lính. Còn Thầy Kính lại trở thành sư gia trong cuộc chiến chống sự phủ bại vô năng của triều Thanh. Trong một cuộc chiến, Mộng Cát bị thương và mất đi trí nhớ. Anh không còn nhớ được Liễu Mị là ai và chỉ tìm thấy chiếc khăn tay mà anh luôn mang bên mình là tín vật giữa 2 người. Lúc này, Mộng Cát được cô y tá Mã Lợi chữa bệnh và rồi lửa gần rơm lâu ngày cũng bén, khi tình yêu giữa 2 người phát triển thì cũng là lúc Mộng Cát dần khôi phục được trí nhớ, những rắc rối lại bắt đầu đến với anh…