Nhắc đến mỹ nhân trong lịch sử trung hoa, hẳn nhiều người sẽ nghĩ ngay tới cái tên “Tây Thi”, vốn là một trong “tứ đại mỹ nhân” của lịch sử trung quốc, sắc đẹp được ví như chim sa cá lặn, vì thế không có gì khó hiểu khi nàng không chỉ được nhắn đến trong thơ ca mà còn xuất hiện trong nhiều bộ phim từ truyền hình cho tới điện ảnh, trong đó đáng chú ý phải kể tới Tây Thi phiên bản 1995 của điện ảnh trung quốc. Mặc dù không được đầu tư khủng, nhưng phim được đánh giá cao về mặt nội dung, cốt truyện, ngoài ra vai nữ chính của diễn viên Tưởng Cần Cần được cho là Tây thi phiên bản trên màn ảnh nhỏ đẹp nhất từ trước tới nay.
Nội dung của phim xoay quanh nàng Tây Thi, vốn tên là Thi Di Quang, từ nhỏ tới lớn nàng chú tâm vào công việc dệt vải ở núi Trữ La, Gia Lãm, thuộc nước Việt thời Xuân Thu. Trữ La có hai thôn: thôn Đông và thôn Tây, Tây Thi là người ở thôn Tây nên mới có tên gọi là Tây Thi. Tây Thi là mỹ nhân có ngũ quan đoan chính, phấn diện đào hoa, tướng mạo hơn người ngay cả khi không trang điểm. Vì gia cảnh khó khăn, quanh năm suốt tháng nàng phải mặc xiêm y bằng vải bố, thế nhưng vẫn không thể che lấp được vẻ đẹp tuyệt vời, tự nhiên và thuần khiết.
Trong trận đánh quyết tử với Ngô, do không nghe lời can gián của Văn Chủng và Phạm Lãi nên Việt vương Câu Tiễn bại trận, bị Ngô vương Phù Sai buộc vợ chồng Câu Tiễn phải sang Ngô làm con tin. Câu Tiễn quyết chí trả thù, Văn Chủng trước khi Câu Tiễn sang Ngô đã hiến cho Câu Tiễn 7 kế, trong đó có một kế là “Mỹ nhân kế”, cụ thể là tìm cách dâng người đẹp làm mê hoặc vua Ngô. Trong vòng nửa năm, Câu Tiễn tuyển được 2000 mỹ nữ, trong đó có hai người nhan sắc tuyệt thế là Tây Thi và Trịnh Đán. Tây Thi không chỉ là người có sắc đẹp kiêu sa, múa hay hát giỏi mà còn có trí thông minh, học đâu nhớ đấy, cách nói chuyện quyến rũ người nghe và cả bí thuật phòng the của Hạ Cơ, người từng làm khuynh đảo vua tôi nước Tần. Tất cả những gì mà Tây Thi sở hữu không khó để đánh gục vua Ngô, nàng nhanh chóng được phong làm Qúy Phi.