Là nhân vật lịch sử được lưu truyền qua nhiều tiểu thuyết dân gian, Tiết Nhân Qúy cũng nhiều lần được các nhà làm phim thời hiện đại cho lên màn ảnh nhỏ lẫn màn ảnh rộng, từ điện ảnh Hồng Kông cho tới trung quốc đều có những tác phẩm tiêu biểu của riêng mình và Tiết Nhân Quý Truyền Kỳ của điện ảnh Hoa ngữ ra mắt năm 2007 là một ví dụ tiêu biểu. Được đầu tư kinh phí khủng, phim có sự tham gia của hàng loạt những diễn viên tên tuổi như Trương Thiết Lâm, Ngô Việt, Lý Tiểu Nhiễm, Thích Tiểu Long, Kế Xuân Hoa cùng sự chỉ đạo đến từ 2 đạo diễn tài ba là Trần Đông Thôn và Đinh Ngưỡng Quốc. Có thể nói, Tiết Nhân Quý Truyền Kỳ là một trong những phiên bản truyền hình được dàn dựng hoành tráng nhất từ trước tới nay.
Phim bắt đầu từ giấc mộng của Đường Thái Tông thấy mình bị đuổi giết, bỗng có viên tướng mình khoác áo bào trắng, tay cầm Phương Thiên Họa Kích xuất hiện kịp thời, cứu vua thoát chết. Ngày hôm sau, vua vội vã triệu tập các đại thần đến giải mộng. Từ Mậu Công tiên đoán vị tướng đó tên là Tiết Nhân Quý (Bảo Kiếm Phong) quê ở huyện Long Môn, tỉnh Sơn Tây. Trong khi đó Trương Sỹ Quý lại khẳng định viên tướng không ai khác chính là con rể Hà Tông Hiến của ông ta. Tướng quân Thiết Thế Văn của Bột Liêu cầm quân nổi loạn, Đường Thái Tông ngự giá thân chinh, lệnh Trương Sỹ Quý chiêu mộ binh sĩ và tìm “ứng mộng hiền thần”.
Cùng thời điểm đó, Tiết Nhân Quý được sư phụ Lý Tịnh cho phép xuống núi. Qúy ba lần đầu quân nhưng bất thành vì bị cha con Trương Sỹ Quý cản trở, cuối cùng bởi nhờ có tấm kim bài của Trình Giảo Kim mà chàng mới được vào làm ở Hỏa đầu quân, tuy nhiên lại phải đổi tên thành Tiết Lễ. Quân Đường ra trận, công đầu luôn thuộc về Hỏa đầu quân trong đó công lớn nhất phải kể tới Tiết Lễ. Từ đó, quân địch hễ nghe đến tên Tiết Lễ thì đã khiếp sợ, hàng ngũ tan rã, quân Đường thắng trận liên tiếp.
Thế nhưng, vào ngày ca khúc khải hoàn trở về, cha con Trương Sỹ Quý đã cướp hết chiến thuyền, thẳng tiến kinh thành, âm mưu soán ngôi, may có Tiết Nhân Quý dũng cảm ra tay tiêu diệt phản thần. Hết chiến tranh, vua Đường ban hôn cho Tiết Nhân Quý và công chúa Chiêu Dương, nghĩ đến người vợ hiền ở nhà nuôi con chờ chồng, Tiết Nhân Quý từ chối, khiến công chúa đau lòng quy y cửa Phật.